Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

QUÊ CỦA ÔNG BÀ
Ai cũng có ông bà . Khi ông bà khuất núi mới thấy tủi hờn như giận chính mình, phận cháu nội ngoại có gì đấy chua sót cảm thấy có lỗi - thời gian giành cho ông bà không nhiều bởi ta mải rông dài, chạy nhảy và quấn quýt bên bố mẹ khi bé ,lớn lên lao vào cuộc sống mưu sinh đi đây đó , bây giờ muốn chắp tay lạy cũng là hư không, ông bà đã khuất xa .
Bố tôi gọi ông bà là Thầy , Đẻ . Ông nội tôi mất thời cải cách ruộng đất , cách sống của ông chỉ nghe qua lời kể của bố rằng : năm ấy họ mang ông ra đấu tố , do tuyên truyền của chính quyền (du kích xã) có người con cháu bên bà tôi đứng ra đấu tố ông ,ông uất và mất ngay năm đó . Bà kể trong nước mắt rằng : năm 45 nạn đói , ông sai bà nấu cháo và phát chẩn cho cả làng để cứu đói , thế mà … Sau đó bố tôi về đón bà lên Hà Nôi , bỏ lại tất cả ruộng vườn ở quê như một lời chia tay oán giận chính quê mình .
Quê tôi là làng Tiên Hội , Tiên Lãng , Hải Phòng ngay chân núi Voi . Không sinh ra ở quê , sống ở Hà Nôi từ bé nhưng 10 năm phổ thông gần như năm nào cũng cùng bà về quê .Từ quê lên HN bao giờ bà cũng cố mang một quả mít , hai bánh thuốc lào ( bà ăn trầu thuốc ), và vài cân chay khô ( quả chay khô để kho cá )ít tép khô …. Bà bảo đấy là quà quê . Gần nửa thế kỷ trôi qua , vẫn như ngày hôm qua tôi không bao giờ quên được . Chính những ngày sống ở quê mà sau này tôi càng hiểu người thành phố đều sinh ra ở nông thôn , tính cách và tập tục quê của ông bà ta đã dậy ta có cốt cách , dù ra thành phố có mặt ở các nhà hàng sang trọng ,nơi đô hội phồn hoa , những quán ba mà một chai rượu bằng mấy tạ lúa ở quê ,rồi văn minh hiện đại …. kỷ niệm êm đềm với làng quê vẫn sống trong ta như câu chuyện cổ tích , dù không sinh ra ở làng ,bây giờ lên ông rồi càng tủi tủi mỗi khi nhớ đến . Quà quê chỉ là nắm bỏng rang , hay củ khoai luộc ăn độn cơm …. Hay tép rang khế , rồi rau lang chấm mắm cáy … Mới hiểu câu “ rát như cáy ” , con cáy - giống con rạm nhưng chân nó rất nhiều lông( chỉ để làm mắm cáy ) , muốn bắt nó phải đi thật khẽ , chỉ động nhẹ là chui tọt vào hang nên người ta có câu thành ngữ “ rát như cáy “ là vậy.
Ông Bà yêu thương cháu nội, ngoại nhiều lắm , vì như đánh dấu sự già đi của một đời người khi lên ông và lên cụ phải truyền lại cho con cháu điều tốt lành nhất như gia phả của dòng họ phải lưu truyền. Sau này khi chúng ta lên ông lên bà hiểu rằng : càng thương yêu cháu chắt ,nhưng ông bà không bao giờ trách chúng nó, dù nó quan tâm đến bố mẹ nó hơn là chăm sóc ông bà , đôi khi nó còn thờ ơ với ông bà vì có thể nó biết có bố mẹ nó chăm lo cho ông bà tốt nhất trần gian rồi ????
Mãi sau này khi bà tôi khuất núi , tôi càng rõ ra một điều là bà ra thành phố hàng chục năm , bà cũng đi chợ nơi thị thành , cũng như sống ở quê lúc nào bà cũng mua quà về cho các cháu khi là nắm bỏng , vài viên kẹo bột , hay cái bánh đa … Lớn lên cứ mong mãi cảm giác đợi bà đi chợ về để được ăn quà , nói ra điều này ngay cả bố tôi khi gần 80 tuổi cũng bùi ngùi muốn khóc vì nhớ Đẻ .
Có lần bà bảo : bà yếu rồi không về quê được nữa , rồi bà sẽ theo ông nơi chín suối , các cháu cố gắng thay bà về thăm quê , nhân thể sang thắp cho thầy u của bà vài nén hương rồi thay bà nhìn xem cây mít bên bờ ao còn sống không ( do bà trồng ) …. Vì ngày xưa theo chồng bà ít về qua nhà mình , dù chỉ làng trên xóm dưới . Chúng tôi cũng chẳng về quê được nhiều vì bây giờ lên phố hết rồi , người ta phá núi nung vôi , ao làng đình làng chỉ là hoài niệm .
Nhưng trong tâm khảm vẫn nhớ mãi lời bà và hình bóng quê của ông bà .
Bây giờ đây lớp bố mẹ đã nghỉ hưu, khi ông bà của các cháu còn sống cũng không trách các cháu nội, ngoại dù cho chúng nó mải mê công việc cuốn vào mưu sinh , họa hoằn vài tháng mới về thăm ông bà , có đứa ở xa quá ông bà còn chưa kịp nhìn mặt chắt đã thành người thiên cổ .Bố mẹ lại như có lỗi với ông bà của các con .
----------------------------------------
VNThang. 2.8.2016 - ảnh net .