Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

QUÁN XÁ VŨNG TÀU.
Có mặt ở VT cuối năm 1985 . Sau 30 năm nhìn lại cảm súc lại dâng trào , khi thanh thản nhẹ lòng cứ muốn viết ra chia sẻ với chính mình với bè bạn , người thân . Hai năm nghỉ ngơi nhàn nhã yên lành càng làm bùng lên những kỷ niệm , những dấu mốc mình đã đi qua trên mảnh đất VT thân yêu .
Bay từ HN vào trên chuyến TU 154 (của Liên Xô cũ) vào TP Hồ Chí Minh , mò mẫm ra bến xe Hàng Xanh ( nay không còn ) mình về Vũng Tàu trên chuyến xe đò chạy than . Xe chay như bò và nghỉ nhiều chặng để nhà xe kều than và tiếp than tiếp nước - làm mát máy , mình ngồi sau nên vừa ngửi mùi than và tàn tro thỉnh thoẳng lại bay vào mắt cay sè .Qua cầu Sài Gòn nhìn xa lộ Biên Hòa rộng lớn (sa lộ HN bây giờ ) , thấy ống khói xi măng có si lô trộn Xi măng cao và to khủng khiếp mình đã cảm nhận được một nền sản xuất lớn phía Nam so với sự nghèo nàn của miền Bắc lúc ấy . Đến Long Thành xe dừng nghỉ tiếp than hành khách nghỉ ngơi và mua chôm chôm ,măng cụt …trong cánh rừng cao su bạt ngàn , hoang sơ làm mình sững sờ và nhớ mãi bởi vì lần đầu tiên nhìn thấy rừng cao su . Về sau này mỗi khi qua các cánh rừng cao su ở Tây Ninh , Xuân Lộc …mình càng nhớ về cánh rừng cao su Long Thành , nơi bán chôm chôm hoa quả nay đã thành phố . Xe đò than còn dừng ở Tân Thành để khách mua bánh bao 999 , dừng ở gần thị xã Bà Rịa cho dân địa phương ào quanh xe chào mời mua mãng cầu (na) Nghe nói mình mới biết đây là vùng có sản vật mãng cầu ngon nhất miền Nam ( ngon giống như quả na ở Chi Lăng , Đồng mỏ Lạng Sơn ở miền Bắc ).Qua cầu Cỏ May chị đồng hành trên xe có nói : anh người bắc vô đây khi nào xe chạy qua chỗ có mùi mắm , mùi cá thối ( ngư dân phơi cá ươn làm thức ăn gia súc) là sắp đến thành phố Vũng Tàu đấy . Bây giờ Vũng Tàu ít mùi cá phơi , nhưng cảm giác cái mùi đó theo ta suốt những năm tháng khó khăn và phồn vinh của mảnh đất này , trà dư tửu hậu tôi vẫn gọi đó là “mùi Vũng Tàu” .
Nhớ phút đặt chân đầu tiên đến Vũng Tàu , con gái đầu ( mới 5 tuổi ở nhà với bà nội ,vào VT trước mình) dẫn mình đi thăm thú phố xá , bố chở con trên xe đạp và bảo con chỉ đường ra biển , con chỉ thế nào mà hai bố con đạp ra tận Bến Đình cũng không thấy biển , hỏi đường mãi mới ra tới Bãi Trước nơi có quán xá , nhà hàng nằm dưới hàng dừa , hàng cây bàng già nằm sát bờ biển tuyệt đẹp . Hai bố con uống nước dừa và đá chanh vừa lạ lẫm nhưng thật ấn tượng .
Vũng Tàu lúc bấy giờ vắng vẻ , cả đặc khu VT-CĐ ( sau đổi là tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu ) chưa đến nửa triệu người ,phương tiên trên đường chủ yếu là xe đạp thỉnh thoảng có vài chiếc xe máy cũ là xe Hon đa 67 , Dam , lambetta….. của dân chủ ghe có máu mặt . Người dân chủ yếu dùng xe đạp ,xe lam ba bánh và xích lô để chuyên chở hàng hóa và người . Phố xá đông vui khi tan tầm có xe buýt của cán bộ công nhân dầu khí chạy nhộn nhịp đưa đón khắp các nẻo đường nội ô và ven ô thành phố Vũng Tàu ,vì lúc đó cán bộ công nhân viên ở trọ trong nhà dân và các khách sạn chưa có các khu tập thể dầu khí , và nhà riêng như bây giờ .
Người bản địa và người ngụ cư làm dầu khí lúc đó sống bình lặng , cần cù lao động , sau đổi tiền 1985 cuộc sống vẫn trăm bề thiếu thốn . Hai từ ăn nhậu lúc này thật xa lạ , quán xá ăn nhậu gần như không có trừ các khách sạn palase , rex , grand , Pacific ,Hạ Long (cạnh nhà thờ VT) , Sông Hồng có bán bia rượu và vài món cố hữu mà dân thường , cán bộ bậc trung hầu như không giám bến mảng trừ khi vào ăn kem hay uống đá chanh , cà phê nhân ngày lễ hay chủ nhật
Vũng Tàu thời gian này không khí không oi ả như bây giờ mặc dù cúp điện liên miên , nước ăn sinh hoạt chủ yếu là giếng đóng , nhà nào có quạt cây quạt trần được cho là khá giả còn không nhà cấp bốn mở toang cửa , quạt tay mà ngủ là bình thường cho nhiều người dân , tuy nhiên cuộc sống thật yên lành trôi qua như bản chất của con người lúc nghèo dễ chia sẻ thương yêu . Quán xá nghèo nàn vì kinh tế bao cấp èo uột vẫn hiện diên trong đời sống hàng ngày , cả thành phố có hai ba quán phở có từ trước 75 ( quán phở Thiện Lợi , Thủy Nguyên – vẫn nằm trên đường Ba Cu bây giờ và quán phở Quê Hương ở gần ngã tư Giếng Nước ) sau chút có thêm quán phở Lò Đúc , phở Hà Nội (cuối đường Trương công Định và ở đường Trần Hưng Đạo) các hàng phở này chủ là người Bắc sau giải phóng vào lập nghiệp . Còn nhớ vài hàng cơm từ trước giải phóng vẫn còn tồn tại đến bây giờ : tiệm cơm Lăng ký ,Hưng ký , Thuận ký , Hợp Thành tọa lạc ở quanh chợ cũ (Trưng Chắc , Trưng Nhị ) , thực khách của các nhà hàng này chủ yếu là dùng cơm trưa chiều tuyệt nhiên bia rượu gần như không có nên không có chuyện ăn nhậu ở đây . Lúc thời buổi khó khăn dưới phường Rạch Rừa có hàng thịt chó bảng hiệu Mười Hương do người Bắc di cư 54 làm chủ , lúc nào cũng đông khách còn phường Thắng Nhất có hàng thủy sản Ngọc Thủy (có món cua rang muối nổi tiếng một thời) mà nghe đâu ngày trước tướng tá ngụy ham ghé mỗi lần đến Vũng Tàu , quán ăn nhanh có hàng bánh mỳ Thi Thi lúc nào cũng nườm nượp do gần như là duy nhất ở đường Đồ Chiểu vả cả thành phố VT . Ngoài chẳng có nhiều đặc sản địa phương nhưng phải kể đến nhà hàng bánh bèo Tuyết Mai và bánh khọt cây vú sữa, quán Cây Bàng ngoài Bãi Dâu ,quán gỏi cá Mai cá trích phố Lê Lai .Thăng trầm theo thời gian quán còn quán mất các nhà hàng quán xá phải canh tranh quyết liệt để tồn tại và phát triển . Bức tranh quán xá Vũng tàu thời kỳ cuối 1985 là như thế , tất nhiên còn có quán cóc ở bãi sau và các chợ nhỏ có trong thành phố , cả gánh hàng rong , mỳ gõ … Chỉ còn là hoài niệm của thế hệ chúng tôi .
Mình nhớ mãi Quán chè Cây Táo ở đường Phạm Hồng Thái , chỉ khi dư giả hay thưởng cho con học có thành tích mọi người mới giám đến đây thưởng thức món chè các loại , mùi vị thật ngon hay do đói khổ lúc ấy nên ăn vào miệng thấy hả hê lạ thường , khiến mọi người hay nhắc đến chè Cây Táo đến tận bây giờ . Bạn bè người thân gặp nhau mời nhau đi ăn phở Quê Hương ( cho cả giò lụa vào phở ) là một sự hoang phí vung tay thời đó . Khách du lịch người từ nơi khác đến ai cũng ghé chợ cũ Vũng Tàu có dãy phố chợ cũ , hàng quán chẳng có nhiều sản vật ngoài vòng ốc lưu niệm và mắm ruốc hiệu “Bà giáo Thảo” Bến Đình nổi tiếng khắp vùng , nay cũng vắng bóng thời thị trường vì không canh tranh được với thủ phủ mắm Châu Đốc miền Tây , mắm Huế ….vvv
Đầu thập niên 90 , kinh tế cả nước khởi sắc nhất là thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu , người làm dầu khí có phần trội hơn các ngành khác trong đó Vietsovpetro bắt đầu trả lương bằng USD (duy nhất cả nước lúc ấy ) . Cuộc sống lên hương và quán xá nhà hàng cũng theo nhu cầu và thu nhập khá của dân dầu khí mà mở ra phát triển nhanh chóng .Thời kỳ dân dầu khí biết đến bào ngư , cơm cháy hải sâm , tôm sú hấp bia , ghẹ rang me rồi tôm hùm cá mú ăn sống … bắt đầu có trong thực đơn của nhà hàng Huê Anh , Nam Phát , Hữu Nghị . Liên hoan , tổng kết các ban ngành và dân dầu khí Vũng Tàu phần lớn đều tổ chức ăn nhậu ở vài nhà hàng trên . Tiếp sau các món Nga du nhập dân Vũng tầu thưởng thức thit nướng, salat kiểu Nga ở loạt nhà hàng mọc lên( đối diện khu năm tầng ) , nay còn lại quán Vườn Bàng cũng bắt đầu ít khách trong khi quán Tê giác (nằm trên đường Lê Hồng Phong) vẫn duy trì phát triển vì món ăn còn nhiều chất Nga .
Ngày nay Vũng Tàu thay da đổi thịt phạm vi viết bài này không thể kể hết chỉ biết rằng khi con đường Hạ Long ven biển mở ra cảnh quan và các cơ sở du lịch làm bộ mặt VT đẹp nức lòng nhiều thế hệ già trẻ trong nước và kiều bào . Đến Vũng Tàu bằng tàu thủy cánh ngầm , xe tốc hành hạng sang chạy vào thành phố qua đường 51B, 51C , 30 tháng tư hiện đại . giữa làn đường đôi là hàng cây hoa cỏ rực rỡ như đón chào khách đến và đi và tất nhiên sẽ không còn ngửi thấy mùi cá phơi tanh nồng ,không nhìn thấy các chuyến xe than lầm lũi ngày xưa . Khi ven phố cũ xuất hiện đường lê Hồng Phong , Nguyễn An Ninh , Thống nhất mới thì biết bao nhà hàng quán xá mọc lên , do nền công nghiệp bia rượu cả nước phát triển phi mã gần như nhất Đông Nam á . Vũng Tàu hòa theo su thế phát triển , người xe nườm nượp , ì ào hò reo mỗi chiều cho đến khuya vì ăn nhậu . Không ai có thể thống kê hết nhà hàng quán xá có ở VT , chắc phải là hàng ngàn không kể khu vui chơi khách sạn cũ mới quanh năm đón khách thập phương . Ngẫm vui hay buồn khi các quán xá xưa ( có đếm trên đầu ngón tay ) bao đời chủ , còn mất được thua trong trong thời buổi này ? dù sao nhiều người ta vẫn nhớ bởi đó là kỷ niệm là nét xưa của ngày xưa nó là chứng nhân cho sự phát triển của Vũng Tàu 40 năm sau giải phóng .
Đến hôm nay nhiều người Vũng tàu đã giầu có , có nhà cửa biệt thư khang trang , xe hơi đời mới ,con cái du học trưởng thành .. Người thời đi xe than ngửi mùi cá ươn phơi , giờ cũng khật khưỡng béo tốt , uống rượu ngoại ăn nhỏ nhẹ ..tập thể thao chơi gôn , quần vợt … Những ngày đầu khó khăn , éo le mưu sinh ai cũng trải qua khi đã là công dân của Vũng Tàu , viết ra những hoài niệm xưa như muốn nhắc hãy luôn yêu thương và trân trọng mảnh đất này .
Vũng Tàu ngày 28. 12. 2015.
Mong những ai yêu VT cùng chia sẻ thông tin về VT . Trân trọng

Không có nhận xét nào: