Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

THU
Thu về ,Vũng Tàu đang biển động
Lạnh se , nghe giông gió ,mưa chiều
Phố bánh vắng tanh , mùa bánh tết ,
(Tiền chùa bánh tặng thời hết thiêng)
Đèn hoa , đèn lồng không khai hội
Tội cho bọn trẻ rước đèn online .
Lã chã mưa thu chủ mời khách
Rượu say hay nhắc thủa lên mười 
Bưởi bổ không ăn chỉ giành hạt
Đốt sáng tuổi thơ chuyện chị Hằng .
Ai đếm mùa trăng tính tuổi rằm
Vũng Tàu mùa ghẹ hết ngày …. mười lăm .
---------------------------
Áp thấp , mùa thu Vũng Tàu - VNThang , 12 tháng tám ngày âm .


Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

QUÊ CỦA ÔNG BÀ
Ai cũng có ông bà . Khi ông bà khuất núi mới thấy tủi hờn như giận chính mình, phận cháu nội ngoại có gì đấy chua sót cảm thấy có lỗi - thời gian giành cho ông bà không nhiều bởi ta mải rông dài, chạy nhảy và quấn quýt bên bố mẹ khi bé ,lớn lên lao vào cuộc sống mưu sinh đi đây đó , bây giờ muốn chắp tay lạy cũng là hư không, ông bà đã khuất xa .
Bố tôi gọi ông bà là Thầy , Đẻ . Ông nội tôi mất thời cải cách ruộng đất , cách sống của ông chỉ nghe qua lời kể của bố rằng : năm ấy họ mang ông ra đấu tố , do tuyên truyền của chính quyền (du kích xã) có người con cháu bên bà tôi đứng ra đấu tố ông ,ông uất và mất ngay năm đó . Bà kể trong nước mắt rằng : năm 45 nạn đói , ông sai bà nấu cháo và phát chẩn cho cả làng để cứu đói , thế mà … Sau đó bố tôi về đón bà lên Hà Nôi , bỏ lại tất cả ruộng vườn ở quê như một lời chia tay oán giận chính quê mình .
Quê tôi là làng Tiên Hội , Tiên Lãng , Hải Phòng ngay chân núi Voi . Không sinh ra ở quê , sống ở Hà Nôi từ bé nhưng 10 năm phổ thông gần như năm nào cũng cùng bà về quê .Từ quê lên HN bao giờ bà cũng cố mang một quả mít , hai bánh thuốc lào ( bà ăn trầu thuốc ), và vài cân chay khô ( quả chay khô để kho cá )ít tép khô …. Bà bảo đấy là quà quê . Gần nửa thế kỷ trôi qua , vẫn như ngày hôm qua tôi không bao giờ quên được . Chính những ngày sống ở quê mà sau này tôi càng hiểu người thành phố đều sinh ra ở nông thôn , tính cách và tập tục quê của ông bà ta đã dậy ta có cốt cách , dù ra thành phố có mặt ở các nhà hàng sang trọng ,nơi đô hội phồn hoa , những quán ba mà một chai rượu bằng mấy tạ lúa ở quê ,rồi văn minh hiện đại …. kỷ niệm êm đềm với làng quê vẫn sống trong ta như câu chuyện cổ tích , dù không sinh ra ở làng ,bây giờ lên ông rồi càng tủi tủi mỗi khi nhớ đến . Quà quê chỉ là nắm bỏng rang , hay củ khoai luộc ăn độn cơm …. Hay tép rang khế , rồi rau lang chấm mắm cáy … Mới hiểu câu “ rát như cáy ” , con cáy - giống con rạm nhưng chân nó rất nhiều lông( chỉ để làm mắm cáy ) , muốn bắt nó phải đi thật khẽ , chỉ động nhẹ là chui tọt vào hang nên người ta có câu thành ngữ “ rát như cáy “ là vậy.
Ông Bà yêu thương cháu nội, ngoại nhiều lắm , vì như đánh dấu sự già đi của một đời người khi lên ông và lên cụ phải truyền lại cho con cháu điều tốt lành nhất như gia phả của dòng họ phải lưu truyền. Sau này khi chúng ta lên ông lên bà hiểu rằng : càng thương yêu cháu chắt ,nhưng ông bà không bao giờ trách chúng nó, dù nó quan tâm đến bố mẹ nó hơn là chăm sóc ông bà , đôi khi nó còn thờ ơ với ông bà vì có thể nó biết có bố mẹ nó chăm lo cho ông bà tốt nhất trần gian rồi ????
Mãi sau này khi bà tôi khuất núi , tôi càng rõ ra một điều là bà ra thành phố hàng chục năm , bà cũng đi chợ nơi thị thành , cũng như sống ở quê lúc nào bà cũng mua quà về cho các cháu khi là nắm bỏng , vài viên kẹo bột , hay cái bánh đa … Lớn lên cứ mong mãi cảm giác đợi bà đi chợ về để được ăn quà , nói ra điều này ngay cả bố tôi khi gần 80 tuổi cũng bùi ngùi muốn khóc vì nhớ Đẻ .
Có lần bà bảo : bà yếu rồi không về quê được nữa , rồi bà sẽ theo ông nơi chín suối , các cháu cố gắng thay bà về thăm quê , nhân thể sang thắp cho thầy u của bà vài nén hương rồi thay bà nhìn xem cây mít bên bờ ao còn sống không ( do bà trồng ) …. Vì ngày xưa theo chồng bà ít về qua nhà mình , dù chỉ làng trên xóm dưới . Chúng tôi cũng chẳng về quê được nhiều vì bây giờ lên phố hết rồi , người ta phá núi nung vôi , ao làng đình làng chỉ là hoài niệm .
Nhưng trong tâm khảm vẫn nhớ mãi lời bà và hình bóng quê của ông bà .
Bây giờ đây lớp bố mẹ đã nghỉ hưu, khi ông bà của các cháu còn sống cũng không trách các cháu nội, ngoại dù cho chúng nó mải mê công việc cuốn vào mưu sinh , họa hoằn vài tháng mới về thăm ông bà , có đứa ở xa quá ông bà còn chưa kịp nhìn mặt chắt đã thành người thiên cổ .Bố mẹ lại như có lỗi với ông bà của các con .
----------------------------------------
VNThang. 2.8.2016 - ảnh net .

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016














BẾN NHỠ
Chập choạng ,hoàng hôn tầu muộn bến
Thấp thoáng , bơ vơ biển vắng người
Biết đâu chạng vạng người vẫn đến
Bến nhỡ , cũng may hay muộn màng .

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

O CAU DEN

O CAU DEN
BÃI DÂU
Bãi Dâu , ai còn nhớ nương dâu
Nong tằm ,nong kén thủa ban đầu
Dâu xanh trồng quanh làng xóm đạo
Tơ vàng dệt lụa , tiếng thoi đưa... .
Áo xưa , nương dâu không còn nữa
Vương bóng hồn người đất Bãi Dâu
Chiều nay biển vắng, tiếng thở dài
Có người khẽ hái lá bàng Bãi Dâu .
VNThang 20.5.2016
(Bãi Dâu , thành phố Vũng Tàu  từ đầu thế kỷ 20 là nương dâu do xóm đạo công giáo khai khẩn )

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2016


Hè 2016
Hè về còn vắng tiếng ve
Năm nay gió lặng , thôi nghe gọi mời .
Nắng trời hun cả đất trời
Muối khô trên mặt ,mắt người mặn khô .

Ngày 3 giêng tư, Bính Thân

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

HẾT TẾT

Thế là hết tết , nó đến ào rồi qua nhanh và kém phần lay động hớn hở xuân thì như những tết xưa . Hoa vẫn nở tràn trên phố chuẩn bị cho rằm tháng giêng sắp đến , người người vẫn đi lại xe cộ như nước mà cứ thấy trống vắng , thiếu nhiều thứ không thể mua được . Bóng dáng một cái tết ông đồ ngày xưa gần như biến mất , cây nêu câu đối và những kiêng kỵ tập tục ít thấy người ta nhắc đến ..… Ngày nay tết dân gian ( và tết tây) cùng mong nhất là được nghỉ nhiều ,nghỉ ngơi đi du lịch . Còn sắm tết, ăn tết ,chơi tết , xuất hành ….chả mấy ai phải bận lòng vì gộp vào thành là nghỉ tết , thiếu thứ nào cũng chẳng sao .Thậm chí có nhà chẳng buồn mua sắm gì kể cả cành mai cành đào chứ không nói cúng giao thừa , cúng mùng một hóa vàng mùng ba …. Nhà khá giả thì bay cả nhà ra nước ngoài du lịch , vừa vừa thì cận tết mua sắm cho có lệ vì trong nhà có thiếu gì đâu , có lẽ tết có ý nghĩa hơn với người nghèo hoặc nhà còn ông bà hay người có tuổi luôn hướng nội . Không khí tết trong cái nóng nực phía nam càng làm cho nhiều người nhớ cái tết ngày xưa , thiếu thốn khó khăn mà ấm cúng gia đình cùng hàng xóm bè bạn .Thời đó trong năm làm ăn mọi người đã có ý thức chuẩn bị cho tết , bố mẹ ông bà cố gắng làm ăn tích góp để đến tết cho ra tết ,con trẻ thì cố học hành, ngoan ngoãn sao cho đến tết được tấm áo hoa tiền mừng tuổi …còn ở nông thôn thì trồng vụ cây này hay nuôi đàn lợn này để đến tết , đám ruộng này trồng nếp cái , ao này tết đến hò nhau chung tay tát để có cá chép bày cỗ … Cứ muốn nhắc đến bao cái tết muôn thủa như : quây quần bên nồi bánh trưng , rồi tranh thủ nồi nước chế thêm nồi bánh tắm gội nhân thể trước giao thừa , thức đợi bố mẹ vớt bánh trưng và cho ăn trước( bánh trẻ con) trong cái rét căm căm và dặn : mai mùng một đi lại nhẹ nhàng nói năng nhỏ nhẹ ,sang nhà ai phải ngó ngàng không giông nhà người ta , không hô hố nói bậy giông cả năm , đợi cúng xong mới được ăn bốc bả là chết đấy … hồi ấy sao mà tin và vui thích lạ thường , mãi sau này lớn lên làm ăn khá giả những điều này cứ nhói trong tim mỗi khi tết về . Ngày ấy cái gì cũng để đến tết , con người sống với nhau hình như cũng tốt hơn nhằm để tết chúc nhau thấy ấm lòng , hay thứ tha cho nhau. Con cái ở xa không về cũng tằn tiện cả năm để gửi quà tết bố mẹ ông bà , có khi qua tết cả tháng mới nhận được hồi âm thư từ rằng : con hiếu thảo gửi quà làm bố mẹ ấm lòng chỉ ngắm không giám dùng, chỉ vậy thôi cũng sung sướng để làm ăn cố gắng hẹn tết sau ta về với bố mẹ … Mấy đứa đến tuổi cập kê ở quê thì được hứa cố mà làm ăn , tằn tiện tết này bố mẹ gả vợ dựng chồng cho rồi cho bụi tre đám đất sau nhà , làm nhà ra ở riêng .. nhưng phải đợi đến tết….. Tết có bao nhiêu điều phải làm . Đời sống khá lên nhờ kinh tế thị trường nên tết cũng nhiều thay đổi , cuộc sống vật chất thực dụng làm phai nhạt các tập tục tết của ông bà , biết sao được khi ngày nào cũng mặc đẹp ăn ngon , cuốn hút thời gian vào mưu sinh , đua nhau mua xe đời mới rồi đi du lịch khắp trong ngoài nước ..ai mà còn nghĩ về quê tát ao , đụng nhau con lợn gói bánh đêm giao thừa ..có khi còn quên nhắc nhau dọn dẹp mồ mả ông bà , mời tổ tiên về ăn tết . Trải nghiêm cuộc sống hôm nay để nhớ mãi tết ngày xưa và sẽ ấm lòng cho những lớp người đã trải qua một thời gian khó để càng cảm thương bố mẹ ông bà đã sinh ra ta thời gian khó .

Mùng 8 tết Bính thân- Vũ Ngọc Thắng


VŨNG TẦU MẾN YÊU
         

 Nhiều người lứa tuổi  tôi   sinh ra  ở đầu thập niên 50 của thế kỷ trước ,  lớn lên  những ai được học hành đến nơi đến chốn thì phần lớn là thành phần lý lịch “tiểu tư sản “  ở thành phố hay địa chủ nhỏ  ở nông thôn – nghĩa là có đất tự cấy cày không phải làm thuê . Không nói ra nhưng có gì đó trong sâu thẳm  , bậc cha  chú ít khi  kể về  những năm tháng sống  và làm việc trong xã hội người Pháp quản lý .  như sau năm 54 ở miền Bắc mọi người không thích nói tiếng Pháp mặc dù nói còn rất giỏi , mặc áo nâu sòng áo đại cán , đi dép lốp cao su mà lại  biết thắt cà vạt   giỏi hơn chúng tôi bây giờ hay hắt hơi cũng biết cà phê rang quá lửa , quần áo không là lượt mà vẫn phẳng phiu dù chỉ là bộ cánh cũ rích thời khó khăn    …Theo dòng chảy   lịch sử ,đất nước chia cắt rồi  thống nhất  tôi vẫn rất ấn tượng về lớp tuổi như  bố mẹ tôi , sự hiểu biết về kiến trúc ,  văn hóa  ,  trong đó văn thơ hội họa và âm nhạc  nổi lên khiến một số người bị  ảnh hưởng nhiều mãi sau 1975 mới được công nhận và  phục hồi danh phận . Tiếng pháp đến cuối thập niên chín mươi , các cụ mới có dịp thể hiện khi đất nước mở của và hội nhập trước sự ngỡ ngàng của bao lớp hậu sinh , học tiếng Anh ba cấp mà chẳng nói được như các cụ ,khi trả lời bằng tiếng Pháp với người Pháp .  Sau này  vài chục năm qua đi mọi người mới phần nào nghiệm ra thời kỳ đó  đất nước sinh ra tầng lớp  đàn ông  chỉn chu hào hoa  giỏi giang và tự lập khi còn rất trẻ   , con gái thì đoan trang  nết na nhưng giỏi nội trợ , đẻ nhiều con và dậy dỗ con nên người . Phải chăng đó  tài sản trí tuệ  của các bậc cha chú  đã sinh ra lớp con cháu cùng họ tự vươn lên ,vượt qua  mỹ mãn  các  cuộc trường trinh sau này  .
             Sau 30 năm sống và làm việc ở Vũng Tàu , gọi là thành đạt hay không thì cũng  xin phép mạnh mồm “ tư duy trìu tượng”  chia sẻ với mọi người . Người Pháp  đến VT và chọn chỗ đẹp nhất để xây nhà thờ và các biệt thự nghỉ mát ở Bãi Trước , họ không chọn Bãi Sau  để xây dựng mà chỉ để nguyên sơ làm bãi tắm , bao nhiêu năm về sau thời Hoa Kỳ cũng ứng sử như vậy . Có lẽ họ sợ sóng biển Đông đánh thẳng vào bãi Sau nên để nguyên cắc cồn cát chắn sóng , hay lời nguyền phong thủy gì đây ? còn bãi trước yên ả  chỉ có sóng của của sông Sài  gòn thổi vào  nhè nhẹ  , nếu có sóng  bạc đầu tí chút thì mãi ở mỏm Nghinh Phong . Bây giờ thực tế cảnh quan VT  thế nào thìết nghĩ  không cần nhắc lại . Qua những năm tháng trải nghiệm ở VT   và được đi đây đó mới nhận ra Vũng Tàu giống Đồ Sơn ,  Đà Lạt giống Sa Pa Tam Đảo , nhà thờ lớn Hà Nội cũng tương đồng nhà thờ lớn Sài Gòn rồi nhà thờ Đà lạt Vũng Tàu  …. Và còn nhiều địa danh mà người Pháp khám phá đặt tên đang  tồn tại khắp nơi đến tận bây giờ  . Có lẽ Người Pháp khai thác triệt để cảnh quan , khí hậu , đia chất của Việt Nam mình để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ nghỉ dưỡng của họ  Khi sang  sứ mình , nghĩa là danh lam thắng cảnh , địa danh  du lịch …phần lớn do người Pháp định hình cách nay hàng thế kỷ    . Lan man vậy để xuy nghĩ rằng có chăng Người Anh  ( người Mỹ sau này )  để lại ở vùng đất đó một nền kinh tế phát triển có chất tư bản hơn người Pháp , nghĩa là có con người  học và  hành thực tế hơn người dân quản lý làm kinh tế tốt hơn và khá giả  hơn nơi người Pháp bước chân đến  .
           Vũng Tàu sau 75 vẫn nghèo và hoang sơ , ngư nghiệp và nông nghiệp chỉ tự cung tự cấp cho số dân ít ỏi sinh sống nơi đây  cùng  lượng khách du lịch cũng ít ỏi  .Chỉ khi ngành dầu khí bắt đầu chọn VT làm thủ phủ cho ngành công nghiệp hái ra tiền, Vũng Tàu bắt  đầu thay đổi dưới bàn tay của chính người Việt Nam chúng ta . Sau bao nhiêu năm , kể từ lúc người pháp gọi  vũng Tàu là cap saint jacques rồi thời Mỹ  người ta xây vài khách sạn ở bãi trước ,Vũng Tàu không có cơ sở gì lớn và đặc trưng . Cũng chính vì sự phát triển nghèo nàn chậm chạp  nên vũng đất này còn giữ nguyên cho mình nét đẹp hoang sơ tuyệt vời hiếm có .
          Nhiều người  sau nhiều năm sống  ở VT , mải làm ăn mưu sinh cũng không nhận ra điều này , khi có của ăn của để cộng với sự phát triển thay đổi  của Vũng tầu, mới cảm nhận được mảnh đất ta đang sống và làm việc đẹp và trong lành biết nhường nào . Không phải ai cũng biết Bà Rịa Vũng Tàu là vùng đất linh thiêng có nhiều địa danh mang tên rồng ( Long) : Long Điền, Long Hải , Long Sơn , Long Đất , Long Hương xa hơn cùng ảnh hưởng địa lý còn có Long Thành , Long Phước …VV . Nó gợi trong  bất cứ ai đã từng sống ở Vũng Tàu những suy nghĩ yêu thương đến dằn vặt về vùng đất này , con người bản địa hiền lành quanh năm trồng trọt , chăn nuôi , buôn bán nhỏ và thuyền ghe đánh cá mưu sinh . Họ chăm chỉ đi nhà thờ cầu nguyện cũng như bên lương hương khói ngày dằm mùng một . Thăng trầm hàng nửa thế kỷ khi đất nước thống nhất bao người tứ sứ về đây lập nghiệp , dân số tăng dần mảnh đất này mở lòng đón nhận và chuyển mình phát triển biết bao nhiêu … Nhiều khi sao lòng vì một mùa biển động ghe thuyền đậu giăng Bãi Trước , khách du lịch cuối tuần đông vui thả bộ, ngắm biển  ngắm thuyền ấm lòng trong cái buồn mất ngày biển của ngư dân thuyền  chài. Có sao đâu nếu ghé  xóm Lưới , bến Đình Bến Đá … Đàn bà con trẻ ồn ào nhặt chọn cá để phơi và chế biến còn đàn ông  tranh thủ sửa chữa ngư cụ và giành thời gian tụ tập lai rai , thỉnh thoảng lại rống lên tranh luận hay thả giọng một câu vọng cổ nói về biển khơi .. mặc dù cuộc nhậu xóm thuyền chỉ là rượu đế nhạt vài đĩa khô sặt chấm mắm me … cái ồn ào sôi nổi của xóm thuyền hòa vào mùi cá phơi mùi của biển , mồ hôi của ngư dân tạo nên một cảnh sắc nhiều chiều không ở đâu có được , là tình người  là cần cù , là xóm riềng họ hàng bao đời vẫn vậy  dù thời vận mấy chục năm không làm họ thay đổi nhiều như những người từ nơi khác đến và làm những việc khác họ  nhất là dân dầu khí . Viết như vậy mới thấy rằng bao nhiêu biệt thự đẹp  , nhà phố các kiểu được mọc lên sau này rồi lại phá đi xây lại khi thấy lỗi mốt ( hoặc có nhiều tiền) rồi cũng qua đi ít  ghi lại trong  nỗi nhớ về Vũng Tàu , trong khi xóm thuyền chài vẫn không thay đổi bao nhiêu mặc dù nhà thờ , chùa chiền  ,cổ tự phần lớn là do thứ dân mến yêu  này xây đắp bao đời và đến bây giờ họ văn chăm chút giữ gìn  để mọi người tứ sứ  đến du lịch thăm viếng , thả lòng . Ai lần đầu đến Vũng Tàu chả ghé Thích ca phật đài , niết bàn Tịnh xá , hay linh sơn cổ tự , đình Tam Thắng  … xa hơn là nhà lớn Long Sơn ,dinh cô Long Hải …rồi tượng chúa rang tay ,ngắm nhà thờ VT nhà thờ bến đá….Chẳng gì lung linh hay rung động khi ngắm căn nhà riêng mới xây hay chiếc xe đời mới mới của người chủ nào đó thành đạt mới đổi. Người ta cứ nhớ ngày xưa ngày trước rồi dằn lòng yêu mảnh đất này  , con người bản địa nơi đây .
     Năm tháng qua đi , thành phố hiện đại dần lên cảnh quan đã khác trước nhiều , phố phường quán xá nhà hàng đông vui mà có cảm giác con người ít cười đi và có phần khỉnh khỉnh nhạt nhẽo , ăn mặc cũng sang trọng khệnh khạng ít nhiều .. bọn trẻ mới lớn thì xanh đỏ từ đầu xuống chân , ẻo lẻo tay lướt  smartphone  . Cảnh mới người mới , đôi người cứ thích  đến xóm lưới thuyền chài dù răng bây giờ có nhai được khô sặt đâu , hít hà và rưng rung nghe anh hai thuyền chài ( thế hệ sau) vẫn rống vô tư rồi thả lòng câu hát ngày xưa .
Vũng Tàu ngày cuối năm - Tháng chạp Ất Mùi





Nghiêng nghiêng ,biển nghiêng về chân núi
Bạc đầu , tan sóng vỗ về đây
Trôi nổi , bao đời người rong ruổi
Qua đây, sóng xô dậy sóng lòng
QUÁN XÁ VŨNG TÀU.
Có mặt ở VT cuối năm 1985 . Sau 30 năm nhìn lại cảm súc lại dâng trào , khi thanh thản nhẹ lòng cứ muốn viết ra chia sẻ với chính mình với bè bạn , người thân . Hai năm nghỉ ngơi nhàn nhã yên lành càng làm bùng lên những kỷ niệm , những dấu mốc mình đã đi qua trên mảnh đất VT thân yêu .
Bay từ HN vào trên chuyến TU 154 (của Liên Xô cũ) vào TP Hồ Chí Minh , mò mẫm ra bến xe Hàng Xanh ( nay không còn ) mình về Vũng Tàu trên chuyến xe đò chạy than . Xe chay như bò và nghỉ nhiều chặng để nhà xe kều than và tiếp than tiếp nước - làm mát máy , mình ngồi sau nên vừa ngửi mùi than và tàn tro thỉnh thoẳng lại bay vào mắt cay sè .Qua cầu Sài Gòn nhìn xa lộ Biên Hòa rộng lớn (sa lộ HN bây giờ ) , thấy ống khói xi măng có si lô trộn Xi măng cao và to khủng khiếp mình đã cảm nhận được một nền sản xuất lớn phía Nam so với sự nghèo nàn của miền Bắc lúc ấy . Đến Long Thành xe dừng nghỉ tiếp than hành khách nghỉ ngơi và mua chôm chôm ,măng cụt …trong cánh rừng cao su bạt ngàn , hoang sơ làm mình sững sờ và nhớ mãi bởi vì lần đầu tiên nhìn thấy rừng cao su . Về sau này mỗi khi qua các cánh rừng cao su ở Tây Ninh , Xuân Lộc …mình càng nhớ về cánh rừng cao su Long Thành , nơi bán chôm chôm hoa quả nay đã thành phố . Xe đò than còn dừng ở Tân Thành để khách mua bánh bao 999 , dừng ở gần thị xã Bà Rịa cho dân địa phương ào quanh xe chào mời mua mãng cầu (na) Nghe nói mình mới biết đây là vùng có sản vật mãng cầu ngon nhất miền Nam ( ngon giống như quả na ở Chi Lăng , Đồng mỏ Lạng Sơn ở miền Bắc ).Qua cầu Cỏ May chị đồng hành trên xe có nói : anh người bắc vô đây khi nào xe chạy qua chỗ có mùi mắm , mùi cá thối ( ngư dân phơi cá ươn làm thức ăn gia súc) là sắp đến thành phố Vũng Tàu đấy . Bây giờ Vũng Tàu ít mùi cá phơi , nhưng cảm giác cái mùi đó theo ta suốt những năm tháng khó khăn và phồn vinh của mảnh đất này , trà dư tửu hậu tôi vẫn gọi đó là “mùi Vũng Tàu” .
Nhớ phút đặt chân đầu tiên đến Vũng Tàu , con gái đầu ( mới 5 tuổi ở nhà với bà nội ,vào VT trước mình) dẫn mình đi thăm thú phố xá , bố chở con trên xe đạp và bảo con chỉ đường ra biển , con chỉ thế nào mà hai bố con đạp ra tận Bến Đình cũng không thấy biển , hỏi đường mãi mới ra tới Bãi Trước nơi có quán xá , nhà hàng nằm dưới hàng dừa , hàng cây bàng già nằm sát bờ biển tuyệt đẹp . Hai bố con uống nước dừa và đá chanh vừa lạ lẫm nhưng thật ấn tượng .
Vũng Tàu lúc bấy giờ vắng vẻ , cả đặc khu VT-CĐ ( sau đổi là tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu ) chưa đến nửa triệu người ,phương tiên trên đường chủ yếu là xe đạp thỉnh thoảng có vài chiếc xe máy cũ là xe Hon đa 67 , Dam , lambetta….. của dân chủ ghe có máu mặt . Người dân chủ yếu dùng xe đạp ,xe lam ba bánh và xích lô để chuyên chở hàng hóa và người . Phố xá đông vui khi tan tầm có xe buýt của cán bộ công nhân dầu khí chạy nhộn nhịp đưa đón khắp các nẻo đường nội ô và ven ô thành phố Vũng Tàu ,vì lúc đó cán bộ công nhân viên ở trọ trong nhà dân và các khách sạn chưa có các khu tập thể dầu khí , và nhà riêng như bây giờ .
Người bản địa và người ngụ cư làm dầu khí lúc đó sống bình lặng , cần cù lao động , sau đổi tiền 1985 cuộc sống vẫn trăm bề thiếu thốn . Hai từ ăn nhậu lúc này thật xa lạ , quán xá ăn nhậu gần như không có trừ các khách sạn palase , rex , grand , Pacific ,Hạ Long (cạnh nhà thờ VT) , Sông Hồng có bán bia rượu và vài món cố hữu mà dân thường , cán bộ bậc trung hầu như không giám bến mảng trừ khi vào ăn kem hay uống đá chanh , cà phê nhân ngày lễ hay chủ nhật
Vũng Tàu thời gian này không khí không oi ả như bây giờ mặc dù cúp điện liên miên , nước ăn sinh hoạt chủ yếu là giếng đóng , nhà nào có quạt cây quạt trần được cho là khá giả còn không nhà cấp bốn mở toang cửa , quạt tay mà ngủ là bình thường cho nhiều người dân , tuy nhiên cuộc sống thật yên lành trôi qua như bản chất của con người lúc nghèo dễ chia sẻ thương yêu . Quán xá nghèo nàn vì kinh tế bao cấp èo uột vẫn hiện diên trong đời sống hàng ngày , cả thành phố có hai ba quán phở có từ trước 75 ( quán phở Thiện Lợi , Thủy Nguyên – vẫn nằm trên đường Ba Cu bây giờ và quán phở Quê Hương ở gần ngã tư Giếng Nước ) sau chút có thêm quán phở Lò Đúc , phở Hà Nội (cuối đường Trương công Định và ở đường Trần Hưng Đạo) các hàng phở này chủ là người Bắc sau giải phóng vào lập nghiệp . Còn nhớ vài hàng cơm từ trước giải phóng vẫn còn tồn tại đến bây giờ : tiệm cơm Lăng ký ,Hưng ký , Thuận ký , Hợp Thành tọa lạc ở quanh chợ cũ (Trưng Chắc , Trưng Nhị ) , thực khách của các nhà hàng này chủ yếu là dùng cơm trưa chiều tuyệt nhiên bia rượu gần như không có nên không có chuyện ăn nhậu ở đây . Lúc thời buổi khó khăn dưới phường Rạch Rừa có hàng thịt chó bảng hiệu Mười Hương do người Bắc di cư 54 làm chủ , lúc nào cũng đông khách còn phường Thắng Nhất có hàng thủy sản Ngọc Thủy (có món cua rang muối nổi tiếng một thời) mà nghe đâu ngày trước tướng tá ngụy ham ghé mỗi lần đến Vũng Tàu , quán ăn nhanh có hàng bánh mỳ Thi Thi lúc nào cũng nườm nượp do gần như là duy nhất ở đường Đồ Chiểu vả cả thành phố VT . Ngoài chẳng có nhiều đặc sản địa phương nhưng phải kể đến nhà hàng bánh bèo Tuyết Mai và bánh khọt cây vú sữa, quán Cây Bàng ngoài Bãi Dâu ,quán gỏi cá Mai cá trích phố Lê Lai .Thăng trầm theo thời gian quán còn quán mất các nhà hàng quán xá phải canh tranh quyết liệt để tồn tại và phát triển . Bức tranh quán xá Vũng tàu thời kỳ cuối 1985 là như thế , tất nhiên còn có quán cóc ở bãi sau và các chợ nhỏ có trong thành phố , cả gánh hàng rong , mỳ gõ … Chỉ còn là hoài niệm của thế hệ chúng tôi .
Mình nhớ mãi Quán chè Cây Táo ở đường Phạm Hồng Thái , chỉ khi dư giả hay thưởng cho con học có thành tích mọi người mới giám đến đây thưởng thức món chè các loại , mùi vị thật ngon hay do đói khổ lúc ấy nên ăn vào miệng thấy hả hê lạ thường , khiến mọi người hay nhắc đến chè Cây Táo đến tận bây giờ . Bạn bè người thân gặp nhau mời nhau đi ăn phở Quê Hương ( cho cả giò lụa vào phở ) là một sự hoang phí vung tay thời đó . Khách du lịch người từ nơi khác đến ai cũng ghé chợ cũ Vũng Tàu có dãy phố chợ cũ , hàng quán chẳng có nhiều sản vật ngoài vòng ốc lưu niệm và mắm ruốc hiệu “Bà giáo Thảo” Bến Đình nổi tiếng khắp vùng , nay cũng vắng bóng thời thị trường vì không canh tranh được với thủ phủ mắm Châu Đốc miền Tây , mắm Huế ….vvv
Đầu thập niên 90 , kinh tế cả nước khởi sắc nhất là thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu , người làm dầu khí có phần trội hơn các ngành khác trong đó Vietsovpetro bắt đầu trả lương bằng USD (duy nhất cả nước lúc ấy ) . Cuộc sống lên hương và quán xá nhà hàng cũng theo nhu cầu và thu nhập khá của dân dầu khí mà mở ra phát triển nhanh chóng .Thời kỳ dân dầu khí biết đến bào ngư , cơm cháy hải sâm , tôm sú hấp bia , ghẹ rang me rồi tôm hùm cá mú ăn sống … bắt đầu có trong thực đơn của nhà hàng Huê Anh , Nam Phát , Hữu Nghị . Liên hoan , tổng kết các ban ngành và dân dầu khí Vũng Tàu phần lớn đều tổ chức ăn nhậu ở vài nhà hàng trên . Tiếp sau các món Nga du nhập dân Vũng tầu thưởng thức thit nướng, salat kiểu Nga ở loạt nhà hàng mọc lên( đối diện khu năm tầng ) , nay còn lại quán Vườn Bàng cũng bắt đầu ít khách trong khi quán Tê giác (nằm trên đường Lê Hồng Phong) vẫn duy trì phát triển vì món ăn còn nhiều chất Nga .
Ngày nay Vũng Tàu thay da đổi thịt phạm vi viết bài này không thể kể hết chỉ biết rằng khi con đường Hạ Long ven biển mở ra cảnh quan và các cơ sở du lịch làm bộ mặt VT đẹp nức lòng nhiều thế hệ già trẻ trong nước và kiều bào . Đến Vũng Tàu bằng tàu thủy cánh ngầm , xe tốc hành hạng sang chạy vào thành phố qua đường 51B, 51C , 30 tháng tư hiện đại . giữa làn đường đôi là hàng cây hoa cỏ rực rỡ như đón chào khách đến và đi và tất nhiên sẽ không còn ngửi thấy mùi cá phơi tanh nồng ,không nhìn thấy các chuyến xe than lầm lũi ngày xưa . Khi ven phố cũ xuất hiện đường lê Hồng Phong , Nguyễn An Ninh , Thống nhất mới thì biết bao nhà hàng quán xá mọc lên , do nền công nghiệp bia rượu cả nước phát triển phi mã gần như nhất Đông Nam á . Vũng Tàu hòa theo su thế phát triển , người xe nườm nượp , ì ào hò reo mỗi chiều cho đến khuya vì ăn nhậu . Không ai có thể thống kê hết nhà hàng quán xá có ở VT , chắc phải là hàng ngàn không kể khu vui chơi khách sạn cũ mới quanh năm đón khách thập phương . Ngẫm vui hay buồn khi các quán xá xưa ( có đếm trên đầu ngón tay ) bao đời chủ , còn mất được thua trong trong thời buổi này ? dù sao nhiều người ta vẫn nhớ bởi đó là kỷ niệm là nét xưa của ngày xưa nó là chứng nhân cho sự phát triển của Vũng Tàu 40 năm sau giải phóng .
Đến hôm nay nhiều người Vũng tàu đã giầu có , có nhà cửa biệt thư khang trang , xe hơi đời mới ,con cái du học trưởng thành .. Người thời đi xe than ngửi mùi cá ươn phơi , giờ cũng khật khưỡng béo tốt , uống rượu ngoại ăn nhỏ nhẹ ..tập thể thao chơi gôn , quần vợt … Những ngày đầu khó khăn , éo le mưu sinh ai cũng trải qua khi đã là công dân của Vũng Tàu , viết ra những hoài niệm xưa như muốn nhắc hãy luôn yêu thương và trân trọng mảnh đất này .
Vũng Tàu ngày 28. 12. 2015.
Mong những ai yêu VT cùng chia sẻ thông tin về VT . Trân trọng
Gửi Mình
Hôm rồi chân cẳng lò cò
Ờ nhà mấy bữa tự lo cho mình
Bạn bè líu ríu gọi mời
Chân đi khập khiễng nhận lời sao đây
May mà mẹ nó về ngay
Ngăn cơn bạn nhậu , chân tay đỡ nhiều.
Chiều nay ngồi bấm quẻ mù
Quẻ rằng có khoẻ, nhưng mà ngẩn ngơ
Là rằng muốn hết ngơ ngơ
Thi thoảng bè bạn ầu ơ bia chiều ....
TẾT
Tết này không như tết xưa
Bàn thờ hoa cúc , ông chưa giỗ đầu
Tết này không tết nhà ai
Mang cơn gió lạnh đào mai làm gì .
Giao thừa con vẫn xông nhà
Bày mâm cỗ cúng thấy bà nhắc ông
Rưng rưng con chúc tuổi bà
Của ông con để lúc ra am chùa .
Bính thân hưu hắt nhà ai
Cỗ bàn bày biện sáng mai hoá vàng .
Gửi các anh về nghỉ
Mai anh về vườn , chân đi đất
chăn gà nuôi vịt, chó vài con
Vợ phong thêm cho làm phó quản (gia)
Quét nhà đổ rác , dọn sân chơi....
Từ nay trong anh bừng tia nắng
Việc nhà giúp vợ , sáng tinh mơ .
Vợ ơi cứ oang oang nhà cửa
Ồn ào công sở qua một thời .

Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015

Yêu người Việt
Sắp hết năm Ất Mùi ,năm 2015 . Cứ muốn nói , viết gì đó cho một năm qua .
----------------------------------------------------------
Bốn mươi năm sau chiến tranh kết thúc ( năm 1975 – 2015) , người Việt lại phải cóp nhặt bớt ăn để mua máy bay , mua tên lửa , tàu chiến … Mình nghèo nên cố làm để khỏi nghèo mà vẫn phải lo vì vận nước non luôn bị đe dọa . Người Việt luôn bao dung và thường nói “ bán anh em xa mua láng riềng gần “ giờ phải mua những thứ ấy vì không thể chọn được láng giềng khác và vươn ra thế giới tìm anh em xa đứng về phía mình , Người Việt một lòng giữ toàn vẹn non sông bờ cõi nước Việt. Dù trên thế giới loan ly , khủng bố từ châu Phi , Trung Đông sang châu Âu , châu Mỹ , châu Úc .Có hề gì nếu phải bước vào cuộc chiến bảo vệ đất nước Việt , truyền thống cha ông Việt là vĩnh cửu .
Mình vẫn vừa yêu nước vẫn lo làm giầu , trong hội nhập cả thế giới bạn thù khó đoán . Anh em làm ăn vẫn phải quy ra tiền , người không họ hàng hay họ hàng đều là đối tác thân thiện miễn là cho vay tính lãi, trả lãi sòng phẳng , người Việt bươn trải làm ăn dù có khó khăn chồng chất vẫn là truyền thống Việt .
Mình vẫn yêu nước vẫn lo học hành , cả nền giáo dục loay hoay và hình như không bằng thời trước ( thời trước nữa và thời đạn bom hai miền ) người tài ngày nay xét cho cùng được sinh ra từ thời ấy .Người trẻ ngày nay thông minh hơn nhiều , nhưng so với chung quanh lại không bằng lớp già ngày xưa ,có khả năng kiến quốc kiểu đàn anh với người Thái , Indo , Mã Lai … Người Việt vẫn có một niềm tin sẽ phấn đấu và xoay chuyển dù có thế nào .
Mình vẫn yêu văn hóa nước mình , bốn mươi năm qua văn hóa hai miền , nhiều miền hòa cùng dòng chảy – các tác phẩm văn học cội nguồn về người Việt vẫn hòa đồng trong cũng như ngoài nước , nhiều bản nhạc, cải lương , giọng chèo , hò Huế …. khi vang lên thấy lâng lâng giống ý nhau lạ thường hay ít cũng mang nặng tâm hồn Việt .
Mình vẫn yêu những món ăn nước mình , ví như đi đâu thì món lẩu Nam vẫn tràn ra bắc (MB gọi là canh ) phở Bắc kéo vô Nam , hai miền chia sẻ biết bao nhiêu điều mới lạ, thực đơn trong làng xã ùa ra thị thành đi khắp phương trời , xa quê người Việt mang món ăn chất Việt ra khắp thế giới .Mình không xuất khầu được cá lóc nướng trui , không bán được gỏi cá mè , không ai trên thế giới này giám ăn tiết canh vịt , hay gỏi cá mai hay nem chua Lai Vung …..VVV , Nhưng mình lo khi toàn cầu hóa những món ăn làng xã dần mai một .Đau đáu và Tin rằng chất Việt lại lan tỏa , các món dân dã lại vào nhà hàng thành đặc sản , món xưa không bao giờ mất . Dù có uống Cognac, whitsky 25 năm với trứng cá đen , với xúc xích sông khói hảo hạng ….. thì người Việt vẫn nấu rượu gạo , ăn cỗ theo kiểu Việt , nhâm nhi theo kiểu Việt , trên dưới nhường nhịn kiểu bà gắp cho ông rồi lại gắp cho cháu …như vẫn lời chào cao hơn mâm cỗ hay ăn trông nồi ngồi trông hướng , cúng giỗ tổ tiên …vvv cứ thế truyền nhau trong gia đình từ đời này sang đời khác .
Mình vẫn yêu dáng kiều thiếu nữ xóm đông , dáng trai bánh mật thôn đoài chả nơi nào trên trái đất giống được . Chân dài dáng mẫu vẫn cố theo thế giới và chẳng bao giờ bằng họ ? chon cả huyện được cô mét bẩy nhưng chân lại to mũi ngắn … Nam mẫu cũng vậy . Bản chất nhân sinh người Viêt ở vùng nhiệt đới gió mùa quanh năm nắng gắt , bão lũ đòi hỏi con người phải nhanh nhẹn,thông minh dáng sắt lại để chống chọi với thiên nhiên và giặc giã . Liên miên bao đời đất mảnh đất hình chữ S đã chon cho con người nơi đây một dáng vóc và trí tuệ mang chất Việt của người Viêt .
Mình vẫn yêu nước và yêu tinh thần thượng võ của người Việt , khi hội nhập thời sau chiến tranh 75 các huy chương giành được khi tham gia Seagames chủ yếu là bắn súng ,vật và đấm đá này nọ …. Nhưng các môn khác không bằng người ta dù đàn anh Việt trước đó một hai chục năm thường coi bóng đá , xe đạp , bóng bàn, cờ vua , bắn súng … là độc quyền của người Việt ở Đông Nam Á .Thời thị trường mấy chục năm thể thao vẫn không có gì đột phá , có chăng các môn thể thao thời thượng du nhập như quần vợt , golf…. nhiều người đam mê . Nhưng đam mê không thôi khó mà thành tài ( chuyên nghiệp ) để cạnh tranh , giải mở ra chỉ tặng cho người nước ngoài đến nhận giải- có tiền thưởng cỡ triệu đô,bằng hàng vạn lần mấy em đoạt giải thể thao Phù đổng trong nước . Cũng chạnh lòng khi người nhận giải không phải là người “ tây” mà là người Thái ,Sing ,In Đô ...và bắt đầu có Lào ,Campuchia ….người Việt biết , ai cũng biết cũng ngậm " ô mai xấu hổ " ,biết xấu hổ để phải cố gắng làm lại thôi .
Ngày nay cũng đủ hàng hiệu , mỹ phẩm cao cấp , hàng hóa thế giới ào vào …. Có thích có choáng nhưng người Việt vẫn hiểu một điều cái mình không làm ra thì không phải của mình - dù có tiền để mua, có chăng chỉ là học tập và tự hỏi tại sao như vậy ? có quá chăng khi những tấm áo lụa Hà Đông , lụa tơ tằm , vải đũi …đem so bì với cái quần jin rách gối hay cái áo phông toàn chữ …. không hùa theo , chọn lọc để học hỏi để vươn lên bằng trí tuệ Việt .
Có đọc đâu đó khi khách phương tây hỏi anh hướng dẫn du lịch rằng : sao Việt Nam oai hùng , con người nhân hậu , thông minh mà không có đền đài lăng tẩm to như Trung hoa hay đền Angko của Campuchia và kinh đô ở Luông Pha Băng của Lào … anh hướng dẫn du lịch trả lời : Người Việt Nam bao đời chinh phạt chống ngoại sâm , sau thành công các triều đại chỉ an dân , không cho phép xây lăng tẩm và đền chùa miếu mạo quá sức của sức dân .. ví như đời vua Tự Đức có cho xây lăng mộ hoành tráng cho mình khi còn sống , đi ngược lại truyền thống yên dân nên có câu :
Vạn Niên là Vạn Niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân.
Quan Dân cũng là dân , người Việt không thích hay không bằng lòng khi biết để có Vạn Lý Trường Thành Hay đền Ăng ko , Luông Pha Băng …sẽ phải đổi bằng hàng triệu dân chết cho cộng trình ấy , máu và xác người Việt không rẻ như vậy. Điều đó phần nào giải thích chùa triền , lăng tẩm , đền đài ở Việt Nam không thiếu nhưng quy mô không to lớn hoành trắng ..chỉ có ý nghĩa và tầm vóc nhân văn thì cực kỳ vĩ đại .
Ngày nay Việt Nam yên lành , người Việt vẫn cần mẫn lao động tuy năng suất lao động còn thấp nhưng niềm tin của người Việt thì không bao giờ khuất phục nghèo đói , xâm lăng của ngoại bang . Tự do và lòng kiêu hãnh là bản chất của người Việt , chúng ta sẽ thành công .
Lan man cuối năm 2015
MÙA CÁ MAI
Anh ngư dân trong mắt dân thị thành , trong phim ảnh văn học là chàng trai khỏe mạnh nước da bánh mật , đứng chân chèo trên mạn thuyền băng băng ra biển khơi đánh cá …..
Đoạn clip quay tại Bãi Trước Vũng Tàu mô tả một buổi sáng thu hoạch cá mai , sau một đêm giăng lưới gần bờ của ngư dân với hàng trăm con thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ .Các ngư dân ở đây phần lớn đủ ăn không nói là nghèo nên trông khắc khổ , sạm nắng ít thấy dáng vóc to khỏe của dân thuyền chài biểnkhơi . Họ không có tiềm lực sắm thuyền lớn đánh bắt dài ngày nên chỉ loanh quanh gần bờ bằng thuyền nhỏ , vừa đỡ tốn nhiên liệu và không mất nhiều công vận chuyển thành quả khi thuyền cập bến Bãi Trước .
Mùa cá mai thường bắt đầu từ tháng 10 âm lịch và kéo dài khoảng hơn một tháng . Ngư dân dùng thuyền nhỏ có ba hay bốn người tham gia đánh bắt . Thuyền ra khơi từ đêm và thả lưới có mắt lưới nhỏ, dài chừng 100m-150 m rộng cỡ 2,5 -3m để bắt cá mai ( cá mai trắng trong như cá cơm nhưng to hơn -cỡ ngón tay). Sáng ra mỗi thuyền kéo và thu lưới về thuyền cùng cá mắc lưới và chạy vào bờ . sau khi cặp bờ thả neo các ngư dân thả tấm bạt chừng 10m2 và chuyển toàn bộ lưới có cá nằm trên bạt và kéo vào bờ cát , rũ lưới thu cá .Việc này có vợ con , người nhà giúp sức và bán cá cho người thu mua tại bãi trước .
Nhìn cảnh thu rũ lưới thu hoạch cá thật đông vui nhộn nhịp , bức tranh toàn cảnh rất đẹp nhưng có biết rằng bao mồ hôi công sức bỏ ra mà thành quả có là bao , nông ngư nghèo nên họ vẫn vui và cười rạng ngời khi có người mua cá .Ước tính mỗi thuyền về sau một đêm thu được 50kg-70 kg cá mai , giá sỉ 30 nghìn/kg cá , trung bình mỗi thuyền thu được 1,5 triệu VND , trừ xăng nhớt khấu hao còn khoảng 1,3 triệu VND chia cho các ngư thuyền và người phụ trên bờ mỗi người được 250 nghìn VND . Mùa cá mai chỉ thoảng qua một tháng nên cũng là nguồn thu khá cho ngư dân nghèo ở Vũng Tàu .Họ là những người thuyền chài lao động chân chính làm ra con cá nhưng họ không bao giờ có mặt ở các nhà hàng hải sản có món “gỏi cá mai” nổi tiếng Vũng Tàu . So sánh thu nhập của những ngư dân này với dân dầu khí thì thật khập khiễng , nhưng cũng nên so với những công chức làm gián tiếp khi biên chế phình to . Họ được ăn theo từng tấn dầu khai thác , lương cao bằng bốn năm anh thuyền chài đánh bắt gần bờ . Trong số họ công việc phải chia nhau ( không có nhiều việc - vì thừa biên chế) và thời gian cứ thế trôi qua cứ thế lĩnh lương cho bao nhiêu năm lao động nhàn dỗi,hay chẳng làm gì. .Một góc của Vũng Tàu còn nhiều người lao động quần quật mà vẫn nghèo, bao nhiêu người giầu giả cho một đất nước nghèo thật .
Bãi Trước một ngày cuối tháng 11.2015


Bố tôi (tiếp theo - II )
-------------------------
Khi tôi học lớp 5 ( 1965 -1966 ) thời kỳ Mỹ ném bom miền Bắc và thủ đô Hà Nội ngày càng ác liệt . Mấy anh em tôi đi sơ tán khỏi HN theo trại trẻ của trường ĐHBK Hà Nội – vì bố mẹ là cán bộ viên chức của trường DHBK .Trại trẻ gồm lớp mẫu giáo và cấp I, Cấp II và cấp III – hệ 10 năm, tất cả đều là con em của cán bộ công nhân viên nhà trường , lên sơ tán trú ở làng Tràng , xã Việt Tiến , Việt Yên … Hà Bắc lúc bấy giờ. Bốn anh em tôi : anh trên tôi học lớp 8 nên ở làng Hà cùng xã cách chỗ tôi ở 4km để đi học cho tiện – ở huyện mới có trường cấp III . Còn lại ba anh em : tôi học lớp 5 , em gái học lớp 3 , thằng út lớp mẫu giáo , sống cùng một thôn nhưng phân làm ba nơi theo lứa tuổi, ăn uống theo nhà ăn tập thể của trại . Hàng ngày cố gắng lắm ba anh em mới nhìn thấy nhau một lần . Nơi sơ tán mùa đông thì lạnh thấu xương , mùa hè thì nóng nực và không có điện . Nhưng chúng tôi thích nghi rất nhanh , ngoài giờ học theo trẻ làng đi chăn trâu , mò cua bắt cá ….tắm ao mương ầm ầm . Ngày tháng cứ trôi qua bình yên như vậy,chúng tôi có nhiều bạn quê và một tình yêu nông thôn theo suốt chúng tôi những năm sau này. Anh hiên – anh cả trong năm anh em ( là công nhân nhà máy thủy điện Uông Bí ) , năm đó cứ bảo tao sẽ lên thăm chúng mày , xem sống ở quê thế nào … rồi chẳng bao giờ thăm , anh đi bộ đội năm đó và hy sinh 1969 ở Quảng Bình , anh là lính pháo cao xạ .
Chiến tranh ngày càng ác liệt trên cả nước , tuần nào không mợ thì cậu ( trong gia đình chúng tôi gọi bố mẹ bằng cậu mợ ) vẫn lên thăm mấy anh em và mang theo ít thực phẩm còm cõi – muối vừng , sườn băm muối riềng , ít đường cát và kẹo Hải Châu chảy nước … . Lần ấy ném bom ác liệt nên ba tuần ông mới lên thăm – đạp xe gần 60 km . Ông không nói nhiều chỉ bảo sau này có khi hàng tháng hay hai tháng mới lên gặp các con . Rồi ông nói thêm rằng nếu vài tháng không thấy ông lên thì thằng lớn phải về HN tìm bố mẹ … xem còn sống không . Nghĩ lại mà thương ông khôn nguôi , điều đó không xẩy ra , nhưng ông là tất cả những gì thiêng liêng nhất của nhiều người bố Việt Nam lúc ấy , vừa làm việc vừa tham gia chiến đấu vừa chăm lo cho đàn con sống xa nhà .
Có lần trong thời gian bom đạn ác liệt suốt theo quốc lộ 1, từ Hà Nội đến Lạng Sơn ( chỗ anh em ở cách HN 55 km theo QL I cách ga Sen Hồ 8 km ) , ông lên lên thăm và chỉ gặp tôi và em Hà (Anh Tiến học Xa , em Dũng mẫu giáo ..) ông chở hai anh em trên chiếc xe đạp cũ , kẽo kẹt rồi cũng đến một chỗ có gà luộc và bánh đa khô trần thay phở . Ông bảo chỗ này còn cách thị trấn Thắng 6km , cách huyện lị Hiệp hòa 15 km mà thời đánh Pháp ông từng qua đây . Nay quán bánh đa khô gà luộc vẫn còn nhưng người bán đã khác xưa , ông không ăn bần thần nhìn hai con ăn như cách nay 15 năm trước ông đã ở đây rồi chút nữa lại chia tay , em gái lại thút thít còn tôi cố nén lòng nhìn bóng ông khuất dần trên chiếc xe đạp … Sau này cuối thập niên 90 tôi cũng tìm lại nơi này và cũng cố suy tưởng sao cho giống ông … Rồi cuộc sống dư giả cỗ bàn ngày nay , thỉnh thoảng nhà vẫn ăn cơm nắm muối vừng , món bánh đa khô gà luộc thời sơ tán thấy ngon mà nước mắt cứ chực rơi, ông ạ.
Cuối năm 1965 . Đêm ấy ra ga Sen Hồ , tàu và ga tan hoang do máy bay Mỹ thả bom , trong khói bom ông đạp một mạch về Hà nội để kịp tổ chức sơ tán cho cả thầy và sinh viên lên Lạng Sơn tránh bom đạn
Cho đến tận sau này , năm 1968 khi tổng thống Giôn Sơn ngừng ném bom miền bắc tạm thời , Ông chuyển tôi về học tại trường cấp III Yên Hòa , Cầu Giấy, Hà Nội. Ông mới kể rằng hôm máy bay thả bom ở ga Sen Hồ Hà Bắc ông không sợ , ông chỉ sợ mình có mệnh hệ gì thì các con và tổ chức nhà trường sẽ không biết ông bị bom vùi mất xác ở đây . Ông bảo hôm ấy ông lên thăm các con mà không xin phép tổ chức , vì mấy ngày sau phải sơ tán lên Lạng Sơn và bố con loạn ly khi nào gặp , hay sống chết thế nào ? nên ông đạp xe trong đêm lên thăm các con . Ông ơi , khi chưa 40 tuổi ông đã làm bao nhiêu điều cho xã hội và gia đình , cho chúng con . Chúng con nhớ ông .
Tháng cuối năm 2015 .


BỐ TÔi ( tiếp)
Khị ông mất vì bạo bệnh gia đình và con cháu càng thương yêu ông ,lúc ông biết bệnh tình của mình, ông cười và bảo : ông cố sống thêm một năm nữa thôi ông sẽ có huy hiệu 70 năm tuổi Đảng . Nghĩ mà đau sót đến tận cùng vì khi đưa ông đến bênh viện thống nhất , người ta chỉ trọng người có chức vụ để ưu tiên( và người có nhiều tiền khám chữa dịch vụ ) còn người có gần 70 tuổi Đảng không có trong quy định của bệnh viện lại nghỉ hưu cách nay 25 năm rồi . Họ đâu biết rằng có gần 70 tuổi Đảng của người 90 tuổi như ông ở cả đất nước này lúc ấy số người còn sống chì đếm trên đầu ngón tay ( ông nguyên bí thư đảng ủy , phó giám đốc sở thương nghiệp Vũng Tàu-chức vụ lúc nghỉ hưu năm 1990, huy hiệu 65 năm tuổi Đảng ). Ông nằm ở hành lang bệnh viện một ngày giời trong đau đớn vì bệnh tật , nóng nực như người dưng bị đầy ải , con cái nhìn ông phát khóc khi ông bảo tao không khám nữa mang tao về nhà - ông muốn về nhà mình , cõi riêng của ông , niềm hanh phúc ở nhà mình có vợ con cháu chắt chăm nom .Bằng tất những gì gia đình và con cháu có thể làm được để chạy chữa cho ông , gia đình không tiếc công sức , tiền bạc ,các mối quan hệ …. Kết quả là : cũng mổ , cũng hồi sức đặc biệt rồi hôm 28 tết bệnh viện như muốn ông về ăn tết … để thôi trách nhiệm để kết thúc một đời người , vì bệnh của ông là ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối .Biết như vậy thì gia đình sẽ không đưa ông đến bệnh viện , như đầy đọa ông , làm ông đau đớn nhiều hơn , nghĩ lại mà ân hận khôn nguôi …
Đám tang ông ( ông mất ngày 24 tháng giêng ất mùi tức 14 tháng 3 năm 2015 ) tỉnh ủy Bà Rịa Vũng Tàu đứng ra tổ chức và cử một tỉnh ủy viên soạn và đọc điếu văn tiễn ông . Gia đình bè bạn của ông biết ơn và ấm lòng ,cứ tâm niệm dù sao vùng đất ông chọn sống cuối đời , người Vũng Tàu vẫn tình nghĩa và tôn vinh ông .
45 năm ngày thành lập trường ĐH Bách khoa HN , ban giám hiệu nhà trường trước đó 3 tháng đã cử người liên hệ với ông để viết hồi ký về trường DHBK và mời ông ra Hà Nội dự lễ . Qua hồi ký ông viết ( con có nhờ anh bạn nhà báo ghi chép và biên soạn trước khi gửi về DHBK ), con mới biết sau khi tham gia chiến dịch Điện Biên phủ 1954 , tập huấn môt hai năm và 1956 ông chuyển ngành về trường DHBK cùng Ông Hoàng Xuân Tùy (sau này là thứ trưởng bộ đại học ) cùng nhiểu người khác bắt tay xây dựng trường DHBK từ những ngày đầu và tổ chức tuyển sinh khóa đầu tiên của nhà trường . Đọc hồi ký của ông con mới biết chưa bao giờ ông kể hay tiết lộ với ai những gì ông trải qua và làm nên . Có những lúc ông xuống đến tận cùng của sự đối sử với một người có lý lịch xuất thân là tầng lớp địa chủ , là tiểu tư sản sau mỗi lần kiểm điểm trong Đảng . Năm 1970 nhà trường thôi cho ông giảng dậy lúc đó ông là tổ trưởng bộ môn chính trị kinh tế thuộc bộ môn Mác- Lê Nin của nhà trường , điều ông về làm trưởng ban quản lý đời sống của nhà trường , nghĩa là ông phải quản lý một trại nuôi lợn và quản lý các nhà ăn cho sinh viên nhà trường . Cũng từ đây một mô hình các nhà ăn tập thể cho sinh viên do ông khởi sướng thành công mỹ mãn , khiến các trường DH ở miền Bắc lúc bấy giờ đến tham quan và học tập mô hình , cũng từ đây bộ nội thương đề nghị ông sang công tác ở bộ và trực tiếp tham gia xây dựng cải tiến ngành ăn uống và dịch vụ của thành phố Hà Nội .Phải xa nhà trường , ông kể lại cũng lưu luyến và dằn vặt . ngày ông đi khỏi trường nhiều sinh viên thời ông dậy đến tiễn thày , có nhiều người ông đào tạo sau trở thành nòng cốt của bộ môn chính trị kinh tế và lãnh đạo khoa ban nhà trường ( ví như bà vẫn gọi là chú Nginh chú Vấn – vì sau này hai chú vẫn qua lại nhà )
Giải phóng miền Nam 1975 ông lại là người của bộ nội thương vào công tác Sài Gòn , tham gia xây dựng một nền thương nghiệp XHCN theo yêu cầu của bộ nôi thương lúc bấy giờ . Cả cuộc đời cho đến khi nằm xuống ông là một công dân tốt của đất nước VN , là một chiến sĩ cách mạng có huy hiệu 65 năm tuổi Đảng , là một công chức mẫn cán không nản lòng , không kêu ca dù bất cứ làm việc gì . Được ông nuôi dậy chúng con trưởng thành và có đầy đủ những gì ông muốn để lo cho ông và ông sống sung sướng 25 năm sau này khi nghỉ hưu . Ông vẫn nói trong bữa ăn có cả gia đình : nhiều người hơn ông nhưng không hạnh phúc bằng ông . ông ơi .chúng con nhớ ông .
VT ngày 11.11.2015.
BỐ TÔI
Hôm qua bà Cường từ Mỹ về đến nhà thắp hương cho ông ngay , cũng bùi ngùi vì tình cảm của bà nay cũng đã 87 tuổi đối với ông mình .
Đầu những năm 80 ông thân phận một mình vào Vũng Tầu , do thời cuộc ông bỏ lại đằng sau một Hà Nội phồn hoa , một gia đình yên ấm vào đất lạ mưu sinh . Những người như bà Cường (người Hải Phòng) đã giúp ông ở thời khắc khó khăn nhất . Ngày hôm nay bà nội và bà Cường lên Chùa Vĩnh Nghiêm ở Núi lớn thăm ông ,nắm tro tàn gửi ở chùa của một con người từng là bí thư đầu tiên đoàn thanh niên trường ĐH Bách Khoa HN (1956) là bí thư chi bộ đầu tiên của chi bộ cán bộ giảng dậy , là người của bộ môn Mác Lê, dậy chủ nghĩa Mác –Lê Nin từ những ngày đầu ở trường ĐHBK ( lúc đó địa chỉ là Đông Dương học xá ).Năm 1965 ông lại tái ngũ tham gia quân đội một lần nữa ,rồi lại quay về DHBK dậy ở khoa kĩ sư kinh tế … Sắp giỗ đầu ông , gia đình bè bạn và con cháu luôn tự hào về ông và luôn ấm lòng vì 25 năm ông nghỉ hưu con cháu phụng dưỡng ông ,bạn bè qua lại làm ông vui và thọ gần 90 tuổi . Thành phố HCM nhớ đến ông là chuyên viên cao cấp của bộ nôi thương vào thành phố xây dựng một nền thương nghiệp XNCH lúc bấy giờ sau giải phóng . Vũng Tàu nhớ đến ông là người đặt nền móng cho sở thương nghiệp VT lúc non trẻ , chợ mới VT là nơi ông di rời từ chợ cũ nhiều tiểu thương vẫn nhớ ông (nhiều doanh nghiệp vẫn coi ông là ân nhân ....và đến thăm bà ngày dằm hàng tháng )
Hôm nay chắc ông ấm lòng vì bà nội và bà Cường đến thăm ông , ông cũng sẽ vui vì con và nhà chùa Vĩnh Nghiêm vừa sửa sang lại cái am cho thật đẹp như ông luôn thích đẹp lúc sinh thời . Con chỉ chút lo lắng và mong ông phù hộ cho Bà nội , con thấy nhói lòng vì những bước chân nặng nhọc của bà nội ( không nhanh nhẹn như bà Cường ) bà thở nhanh khi về đến nhà . Con cứ mong bà Nội súc động vì nhớ ông nên cơn mệt sẽ qua mau , bà vẫn khỏe ông nhỉ . Con nhớ ông .
VT 10.11.2015
(Viết sau mười ngày sinh nhật,lần đầu tiên không có lời chúc của ông )